Có ba loại tinh vân chính là tinh vân phát xạ, tinh vân phản xạ và tinh vân tối.
Tinh vân phát xạ là những đám khí phát sáng nhờ sự kích hoạt từ bức xạ tới từ các sao ở gần (có thể là ngôi sao nằm ngay ở trung tâm đám khí, hoặc những ngôi sao lân cận). Trong hhi đó, tinh vân phản xạ không tự phát sáng, chúng là những đám khí có khả năng phản xạ tốt ánh sáng và do đó chúng có thể phản xạ lại ánh sáng chiếu tới từ các sao ở gần. Cuối cùng, có một loại tinh vân chứa thành phần vật chất không phát sáng cũng không phản xạ mà ngược lại chúng hấp thụ hầu hết ánh sáng từ các sao chiếu tới, vì thế chúng trở thành một mảng tối nổi lên trên nền của các nguồn sáng khác, đó là tinh vân tối.
Do trước đây với các kính thiên văn quang học chất lượng chưa cao, các nhà thiên văn đã xác định và đặt tên cho một số tinh vân mà thực chất chúng không phải các đám khí bụi mà là thiên hà hoặc cụm sao. Chẳng hạn thiên hà M31 trong chòm sao Andromeda là một thiên hà xoắn, hay M45 (còn có tên là Pleiades) trong chòm sao Taurus không phải tinh vân mà là một cụm sao mở.
Nguồn: Theo Giáo dục Khoa học