Trang chủ Math Nghịch lý kẻ nói dối thách đố logic học suốt nhiều thế...

Nghịch lý kẻ nói dối thách đố logic học suốt nhiều thế kỷ

Nghịch lý này mang tên Epimenides - một nhà tiên tri sống tại đảo Crete (Hi Lạp) thời cổ đại. Epimenides tuyên bố: Tất cả dân đảo Crete đều là kẻ nói dối.

 

Theo Kinh thánh Tân ước, sứ đồ Paul trong một bức thư đã viết về dân đảo Crete như sau: “Một người trong bọn họ, tức là bậc tiên tri của họ, có nói rằng: Người Crete hay nói dối, là thú dữ, ham ăn mà làm biếng”. Về sau, Clement thành Alexandria xác định “bậc tiên tri” trong bức thư của thánh Paul chính là Epimenides, sống khoảng thế kỷ 6-7 trước Công nguyên.

Thomas Fowler (1869) phát biểu nghịch lý như sau: “Epimenides người đảo Crete nói rằng tất cả các dân đảo Crete là những kẻ nói dối, nhưng Epimenides cũng là một dân đảo này, vì vậy ông cũng là một kẻ nói dối. Nhưng nếu Epimenides là một kẻ nói dối, thì những gì ông nói đều không đúng sự thật, và do đó các dân đảo Crete là những người thật thà, nhưng Epimenides là một người dân của đảo này, và do đó những gì ông nói đều đúng sự thật. Vì vậy chúng ta cứ chứng minh vòng vòng giữa Epimenides và các dân đảo Crete là nói thật và nói dối”.

Năm 1908, nghịch lý này được Bertrand Russell đưa lên hàng đầu tiên trong danh sách các nghịch lý toán-logic, và trở thành một vấn đề của triết học hiện đại và toán học logic. Russell cũng rút gọn nghịch lý này thành câu phát biểu: “Một người nói: Tôi đang nói dối”.

Một phiên bản của nghịch lý này sử dụng chính hình tượng Pinochio – nhân vật văn học nổi tiếng. Cậu bé gỗ này được bác thợ mộc già sống trong ngôi làng nhỏ của Italy tạo ra, thường hay nói dối, bịa chuyện và mỗi lần như vậy, mũi cậu lại dài ra. Vậy nếu Pinochia nói: “Mũi của cháu sẽ dài ra ngay bây giờ” thì sao? Nếu mũi dài ra thật nghĩa là cậu bé không nói dối, và nếu vậy mũi sẽ không dài. Nhưng nếu mũi không dài nghĩa là cậu nói dối, và như vậy mũi phải dài ra. Và như thế, vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại.

Nguồn: Trí thức trẻ