Trang chủ Math Bài toán vừa gà vừa chó, giải bằng cách nào?

Bài toán vừa gà vừa chó, giải bằng cách nào?

Với môn toán, Phong sợ nhất là phương pháp giả thiết tạm. Vậy mà hôm kiểm tra cậu lại vớ phải bài toán dân gian "vừa gà vừa chó" thuộc loại này.

Vừa gà vừa chó
Bó lại cho tròn
Ba mươi sáu con
Một trăm chân chẵn.
Hỏi có bao nhiêu gà, bao nhiêu chó?

Ảnh minh họa.

Cô giáo Hạnh gợi ý: “Các em hãy tạm giả thiết rằng tất cả 36 con đều là gà”.

Phong nghĩ: “Nếu 36 con đều là gà thì còn phải tìm số chó làm gì? Vậy mà đầu bài lại bắt tìm cả gà cả chó. Thật là rắc rối”. Cậu bèn hỏi cô: “Trong đàn có cả gà và chó thì làm sao lại có thể giả thiết là toàn gà được ạ?”.

Cô giáo mỉm cười: “Vậy mà được đấy em ạ. Em cứ bắt đàn chó làm xiếc đứng bằng hai chân là được”.

Thật là kỳ diệu. Hóa ra gà và chó khác nhau không phải ở chỗ gà thì gáy mà chó thì sủa. Cái chính là số chân kia. Gợi ý của cô Hạnh như một tia chớp lóe sáng trong đầu Phong…

Hôm trả bài kiểm tra, cô giáo vui vẻ nói với lớp: “Lớp ta có một nhà toán học kiêm thi sỹ. Đó là bạn Phong.

Và cô đọc bài thơ của Phong:

Ta hô cho chó đứng lên,
Giơ hai chân trước thẳng lên khó gì.
Cả đàn ba sáu (36) vị chi,
Bảy hai (72) chân chẵn còn gì nữa đây?
Số chân giơ thẳng của cày,
Thì ra hai tám (28) còn đây rành rành.
Hóa ra lũ chó tinh ranh,
Vừa tròn mười bốn (14) loanh quanh đằng trời.
Cả đàn bớt chó là phơi nhãn tiền:
Hai hai (22) gà đấy có liền.
Bài ra ngon quá làm liền rất vui.

 

Nguồn: Vnmath