Theo hãng tin Reuters, với sáng chế này, nhóm các nhà khoa học Singapore kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt rác nhựa thải ra môi trường, đại dương hoặc chất đống không thể phân hủy trong hàng trăm năm.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết đã tìm ra cách biến những chai nhựa được làm từ vật liệu polyethylene terephthalate (PET) thành loại vật liệu siêu nhẹ aerogel với rất nhiều tiềm năng ứng dụng trong đời sống.
“Rác nhựa là một trong những loại rác thải khó tái chế nhất”, phó giáo sư Dương Minh Hải (gốc Việt) thuộc khoa Kỹ thuật cơ khí của Đại học Quốc gia Singapore trả lời bộ phận truyền hình của hãng tin Reuters. Vì lẽ đó nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm những cách ứng dụng mới nhằm giúp giảm bớt lượng rác thải này trên toàn cầu.
Theo Chương trình Môi trường của LHQ, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra các đại dương, tiêu diệt nhiều loài thủy sinh vật và xâm nhập cả vào chuỗi thức ăn của con người.
Theo nhóm nghiên cứu loại vật liệu siêu nhẹ mới có tên PET aerogel được làm từ chai nhựa bỏ đi có đặc điểm vật lý mềm, đàn hồi và rất nhẹ.
Một chai nhựa tái chế có thể tạo ra một tấm vật liệu aerogel có kích thước bằng tờ giấy A4. Vật liệu này có thể được tùy biến cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
Chẳng hạn, vật liệu này nếu được phủ hóa chất chống lửa có thể chịu được nhiệt độ lên tới 620 độ C. Đây là mức chịu nhiệt cao gấp 7 lần so với khả năng chịu nhiệt ở quần áo của lính cứu hỏa, trong khi chỉ nhẹ bằng 10% khối lượng của nó.
Nguồn: Theo Tuổi trẻ