Trang chủ Science Vì sao rất hiếm người Nhật Bản bị hôi nách?

Vì sao rất hiếm người Nhật Bản bị hôi nách?

Rất ít người Nhật sử dụng lăn nách hay sản phẩm khử mùi, vì hầu như họ không bị hôi nách. Bạn nghĩ do chế độ ăn ư? Không phải đâu.

Trong các siêu thị ở Nhật, sản phẩm lăn nách, khử mùi khá hiếm, bởi dân Nhật thuộc dạng nhẹ mùi nhất thế giới. Có nhiều giả thiết về nguyên nhân: Người Nhật thường xuyên tắm bồn, họ có chế độ ăn uống ít thực phẩm tạo mùi, khí hậu mát mẻ… Tuy nhiên, lý do thực sự là người Nhật sở hữu… “gene không hôi nách”.

Con người có hai loại tuyến mồ hôi. Tuyến eccrine – tuyến mồ hôi toàn vẹn – có kích thước nhỏ, phân bố đều khắp trên bề mặt da, chỉ tiết ra hỗn hợp nước muối để làm mát cơ thể. Còn tuyến apocrine – hay tuyến mồ hôi đầu huỷ – lớn hơn nhưng ít hơn, chỉ có ở một số vùng như nách, rốn, cơ quan sinh dục… và đây là tuyến gây mùi cơ thể.

 

Trong khi tuyến eccrine tiết mồ hôi trực tiếp qua lỗ thông trên da thì tuyến apocrine đưa mồ hôi vào nang lông rồi mới đẩy lên da. Thành phần mồ hôi ở đây do đó chứa cả protein, chất béo và steroid – thực phẩm hảo hạng của vi khuẩn. Vi khuẩn ăn chúng và thải ra các chất có mùi. Các loại vi khuẩn khác nhau tạo nên mùi khác nhau. Hệ vi khuẩn trên da mỗi người là độc nhất nên mùi cơ thể cũng không ai giống ai.

Đa số người Nhật có gene ABCC11, tạo ra ít tuyến apocrine hơn bình thường. Đây là một biến thể của gene GBCC11 – gene tạo ra nhiều tuyến apocrine, gây nặng mùi. Đột biến này chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng 2.000 thế hệ, chủ yếu ở Đông Bắc Á.

Gene nặng mùi chiếm gần như tuyệt đối ở người châu Phi, Mỹ Latinh. Ở châu Âu và các đảo Thái Bình Dương, tỉ lệ này thấp hơn nhưng cũng phải tới 80%. Còn người Nhật chỉ 25% có gene này mà thôi.

Người Nhật tuy nổi tiếng là dân tộc ít hôi nách nhưng thực tế không phải vô địch về “nhẹ mùi”. Tỷ lệ mang gene nặng mùi ở Trung Quốc là 10%, còn ở Hàn Quốc thì gần như bằng 0%.

Lí do dân Đông Bắc Á sở hữu gene ít mùi vẫn chưa được hiểu rõ. Có giả thuyết cho rằng đó là tính trạng trội giúp cơ thể họ thích nghi với khí hậu lạnh lẽo, bởi cơ thể có ít tuyến mồ hôi hơn, lượng mồ hôi đổ ra thấp hơn. Việc ra mồ hôi trong môi trường nhiệt độ thấp vốn không cần thiết, thậm chí có thể gây hại cho cơ thể do hiện tượng đóng băng.

Nguồn: Trí thức trẻ