Trang chủ Science Vì sao nhiệt độ cơ thể luôn là 37 độ C?

Vì sao nhiệt độ cơ thể luôn là 37 độ C?

Cho dù sống ở vùng xích đạo nóng ơi là nóng hay vùng cực băng tuyết, cơ thể con người chúng ta vẫn ổn định ở mức xung quanh 37 độ C, trừ khi bị ốm. Tại sao lại "vô lý" thế nhỉ?

Vấn đề này luôn gây nhiều tranh cãi nhưng ngày nay khoa học đã phần nào làm sáng tỏ: Về cơ bản, 70% tổng năng lượng của người và các loài động vật có vú khác được chuyển hóa thành nhiệt. Nhiệt này phát tán ra môi trường xung quanh vì nếu cơ thể tích quá nhiều nhiệt sẽ không thể hoạt động bình thường. Cơ chế sản sinh ra nhiệt vô cùng phức tạp, đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của não bộ.

Trong trạng thái tĩnh, nhiệt mà não cùng các cơ quan như tim, gan, thận… sản sinh ra vượt quá 2/3 lượng nhiệt toàn cơ thể sản sinh ra, trong khi khối lượng của chúng lại chỉ chiếm chưa quá 10%. Khi vận động, lượng nhiệt mà các cơ bắp sản sinh có thể tăng 10 lần.

Cho dù lượng nhiệt được sản sinh ở mức đỉnh điểm thì thân nhiệt vẫn luôn ổn định bởi khi cơ thể sản sinh nhiệt lượng cũng là lúc não chỉ huy các cơ quan liên quan tản nhiệt ra môi trường.

Cơ chế truyền nhiệt rất phức tạp, nhưng có thể hiểu một cách tổng quát về nguyên lý như sau: Chỗ có nhiệt lượng cao hơn sẽ truyền nhiệt xuống nơi thấp hơn, mọi bộ phận đều có chức năng bức xạ và hấp thu nhiệt. Căn cứ vào nguyên lý này, các nhà khoa học giải thích rằng với các dạng khí hậu, môi trường sống như hiện nay của Trái đất thì thân nhiệt bình quân 37oC là phù hợp với tỷ suất sản sinh và phát tán nhiệt của cơ thể sao cho thích ứng với mọi loại thời tiết, để não và các cơ quan đạt hiệu suất hoạt động cao nhất.

Nguồn: Khoa học TV