Trang chủ Science Vì sao cứ thấy người khác gãi là chúng ta lại ngứa?

Vì sao cứ thấy người khác gãi là chúng ta lại ngứa?

Khi thấy một người nào đó gãi, bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy và gãi theo. Liệu đây là tâm lý chi phối hay là phản ứng "lây nhiễm xã hội"?

Nghiên cứu mới đây phát hiện ra rằng, bộ não của chúng ta rất bận tâm về hành động của người khác một cách bản năng. Biểu hiện cụ thể chính là tính lặp lại hành vi hoặc thái độ giữa các cá nhân. Tương tự như vậy, khi nhìn thấy người khác ngáp, chúng ta có xu hướng phản ứng lại hành động bằng cách ngáp theo.

Theo nghiên cứu của Đại học bang Washington (Mỹ),  ngứa cũng là một hành vi xã hội có tính “lây nhiễm” đặc biệt. Thậm chí, đôi khi chỉ cần nhắc tới ngứa cũng đủ khiến chúng ta muốn gãi. Nhiều người cho rằng phản ứng trên chỉ tồn tại trong não bộ, nhưng các thí nghiệm thực tế cho thấy nguyên nhân là do bản năng chứ không phải là hình thức của sự đồng cảm.

Để rút ra kết luận quan trọng trên, nhóm nghiên cứu đã làm một bài kiểm tra thú vị: Những con chuột được đặt trong phòng với màn hình máy tính, trên đó phát đoạn video về một con chuột khác đang gãi. Chỉ vài giây sau, những con chuột trong phòng cũng bắt đầu gãi. Điều này thật đáng ngạc nhiên vì chuột là loài được biết đến là có tầm nhìn kém.

Chuột thường sử dụng mùi và xúc giác để khám phá mọi thứ xung quanh. Do đó, việc liệu chúng có nhìn thấy đoạn video thí nghiệm hay không vẫn còn chưa xác định được.

Tuy nhiên, ngay cả khi không nhìn thấy đoạn video, chúng vẫn có thể biết chính xác hành động gãi ngứa của con chuột trên màn hình.

Quan sát kết quả đánh giá hoạt động não bộ của chuột sau khi xem video cho thấy rằng, khu vực nhóm tế bào thần kinh suprachiasmatic nucleus (SCN) của não (có nhiệm vụ điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ) đột ngột hoạt động mạnh.

Khi phân tích hoạt động não của những con chuột lúc chúng bắt đầu gãi, nhóm chuyên gia phát hiện ra rằng SCN đã giải phóng một chất gọi là GRP (gastrin-releasing peptide). Nghiên cứu trước đây của Tiến sĩ Chen cho thấy, GRP giúp truyền các tín hiệu ngứa từ da đến tủy sống.

Chuột thí nghiệm gãi ngứa không phải vì nhìn thấy một con chuột khác đang làm điều này mà bản thân chúng cũng nghĩ rằng cần phải làm điều tương tự.

Theo các chuyên gia, những phát hiện này cho thấy bản thân chuột không thể kiểm soát được việc gãi khi nhìn thấy hành vi tương tự ở những con chuột khác.

Cụ thể, bộ não của chuột bắt đầu phát ra tín hiệu ngứa bằng cách sử dụng GRP đóng vai trò như một chất xúc tác truyền tin. Đó là một hành vi bẩm sinh và hoàn toàn mang tính bản năng mà con người cũng có cùng biểu hiện.

Đây chính là lý do con người cảm thấy ngứa ngáy và làm theo khí trông thấy người khác gãi.

Nguồn: Tri Thức Trẻ