Tại sao xe đạp khi đi không đổ, khi đứng lại đổ?

    Tại sao chúng ta không thể đứng yên cân bằng một chỗ bằng xe đạp, nhưng lại có thể giữ được thăng bằng khi di chuyển?

    Xe đạp chỉ có 2 điểm tiếp xúc là 2 bánh với mặt đất – không giống như 3-4 điểm như của bàn, ghế. Một mặt bằng tiếp xúc cần ít nhất 3 điểm mới có thể tạo nền tảng tốt để đem đến trọng tâm cân bằng tối ưu.

    Tuy nhiên, khi di chuyển, theo bản năng và kỹ năng lái xe, người cầm lái đã tạo ra các lực dao động liên tục lên tay lái truyền xuống xe và cả hướng đi, do đó giúp cho 2 điểm tiếp xúc của bánh xe được điều chỉnh liên tục để hợp với trọng tâm, duy trì tốt hơn và giữ nó thăng bằng. Tất nhiên, thông thường thì chúng ta chỉ có cảm giác “đạp xe là tự đứng thẳng” không cần suy nghĩ, nhưng thực sự thì bạn cũng ít khi nhận ra khi đó chúng ta đang làm những thao tác nhỏ “lắc lư” để góp phần vào việc giữ cân bằng cho xe đạp.

    Khó hiểu một chút ư? Thử nghĩ đến ví dụ này vậy: Giả sử bạn đang đứng bằng 1 chân. Nếu bạn cứ giữ mãi như vậy rốt cuộc cũng mỏi chân và không chịu nổi mà ngã xuống phải không? Nhưng nếu bạn nhảy lò cò xung quanh, bạn sẽ chịu được lâu hơn dù phải dùng sức nhiều hơn – đó là vì trong khi nhảy, bạn vô tình được di chuyển chân liên tục để điều chỉnh trọng tâm, cho nên người bạn sẽ vững hơn và không dễ đổ như khi đứng yên.

    Nguồn: Tri thức trẻ