Trang chủ Science Tại sao Tây hay rắc muối lên đường đi vào mùa đông?

Tại sao Tây hay rắc muối lên đường đi vào mùa đông?

Nếu bạn từng thắc mắc tại sao người dân các nước xứ lạnh hay rắc muối trên đường phố vào mùa đông thì hãy thử làm thí nghiệm nhỏ này, để xem điều gì xảy ra nếu bạn cho muối vào cục đá trong tủ lạnh.

Chuẩn bị: Một ít đá, muối ăn, một cuộn chỉ nhỏ, một cái chén hoặc ca, cốc.

Ảnh minh họa.

Lấy một ít đá cho vào chén. Tốt nhất là lấy đá hơi ướt, chỉ vừa bắt đầu chảy. Lấy vài sợi chỉ phủ lên trên mặt cục đá. Nếu cục đá to quá, bạn có thể quấn chỉ nhiều lần.

Rải một ít muối lên trên cục đá và các sợi chỉ, để khoảng 10 giây. Và giờ bạn thử nhấc sợi chỉ lên xem nào! Chuyện gì sẽ xảy ra đây? Mẩu đá sẽ dính vào sợi chỉ, bạn cầm nó lên bằng cọng chỉ được luôn đó.

Tại sao thế? Theo Violet.vn, nhiệt độ một mẩu đá khoảng 0oC. Nếu bạn đo thửsau khi rắc muối lên, sẽ thấy nó tụt xuống chỉ còn khoảng -8 hay -10oC, thậm chí là -18oC. Thực tế là độ F (Fahrenhite) thấp nhất chính là nhiệt độ thấp nhất mà bạn có thể đo được khi thêm muối vào đá.

Bạn hãy tưởng tượng viên đá như là một mạng lưới to lớn, một cấu trúc ma trận của nhiều phân tử nước dính nhau như nam châm. Tất cả đều dao động nhẹ, có phân tử chuyển động nhiều hơn phân tử khác. Có nhiều phân tử “loi choi” dao động mạnh đến độ có thể nhảy ra khỏi mẩu đá và tan chảy thành dạng lỏng xung quanh nó. Điều này sẽ lấy đi năng lượng từ mẩu đá.

Bình thường thì sẽ có phân tử khác nhảy vào thế chỗ cho anh bạn “loi choi” kia, phục hồi năng lượng, giữ nguyên nhiệt độ cục đá ở mức 0oC. Nhưng nếu có muối vào thì phân tử nước bị chảy ra sẽ “mất tích” luôn vào các phân tử muối. Trước khi một phân tử nước nào đó kịp nhảy vào thế chỗ, một phân tử khác lại biến mất, rồi lại thêm một phân tử nữa mất tích. Quá nhiều phân tử nước biến đi như thế và đá tan.

Làm tan nước đá cần nhiều năng lượng. Khi đá tan, năng lượng được cung cấp bởi không khí, phần nước đá đã tan hay  từ các vật thể ở xung quanh. Tuy nhiên, nếu bạn cố tình làm tan nước đá bằng cách thêm muối, năng lượng làm đá tan sẽ đến từ chính khối nước đá, do vậy nước đá sẽ trở nên lạnh hơn rất nhiều.

Vậy chuyện gì đã xảy ra với sợi chỉ? Ở chỗ bạn cho muối vào, mẩu đá bị tan nhiều và trở nên rất lạnh. Ở các phần khác trên đá, do không có muối, nước đá tan ra gặp phần đá lạnh có muối sẽ đông trở lại một cách nhanh chóng. Nhờ vậy, sợi chỉ sẽ dính chặt vào mẩu đá và bạn có thể nâng mẩu đá lên nhờ sợi chỉ.

Thế thì người ta rắc muối lên đường làm gì vậy? Là để làm tan chảy tuyết khiến mặt đường bớt trơn trượt. Nước đá khi đó không đóng băng ở 0 độ C mà sẽ có thể ở -5oC. Cho nên mặt đường sẽ chỉ bị đóng băng trong những ngày thật lạnh giá. Ở những nhiệt độ quá thấp (-20 đến -30oC), việc cho muối vào đá sẽ không còn hiệu quả.

Khi đó bạn sẽ phải dùng một hóa chất khác. Có thể chọn dùng natri axetat (CH3COONa), chất thường dùng để tạo vị giấm trong các lát khoai tây chiên giòn có vị mặn và chua, nó khá hiệu quả mà lại không gây quá nhiều tác hại đến môi trường.

Nguồn: Hoahoc24h