Trang chủ Science Loài sinh vật nào có thể “trường sinh bất lão”?

Loài sinh vật nào có thể “trường sinh bất lão”?

Đó là bọ gấu nước, tên khoa học là Tardigrades, là loài sinh vật 8 chân nhỏ bé bơi trong nước, được phát hiện vào năm 1773 bởi nhà sinh vật học người Đức Johann August Ephraim Goetze.

Sở dĩ chúng có tên là gấu nước bởi thân hình mũm mỉm cùng cách di chuyển chậm chạp của chúng làm người ta nhớ tới dáng đi của loài gấu.
Bỏ qua ngoại hình kỳ cục thì bọ gấu nước còn nổi tiếng với khả năng sống dai nhất hành tinh. Chúng vẫn không chết ngay cả khi bị đun sôi, đông đá, nén lại trong áp suất cực cao hay thậm chí bị sấy khô. Hơn thế, loài vật này có thể tồn tại trong tình trạng khô cứng hoàn toàn trong nhiều năm liền và sau đó hồi sinh trở lại như thể chẳng có gì xảy ra cả.

Thậm chí, nó còn có thể tồn tại tốt trước bức xạ Mặt trời hay bức xạ tia gamma ở mức cao, gấp trăm lần giới hạn đủ giết chết một người. Bọ gấu nước tồn tại trong khoảng thời gian 10 năm mà không cần tới thức ăn, nước uống.

Đặc biệt hơn, chỉ với 3% lượng nước thông thường cũng giúp chúng thực hiện tốt việc sinh sản. Chính vì vậy, bọ gấu được phát hiện ở khắp nơi trên thế giới, từ đỉnh Himalaya tới đáy biển sâu tới 4.000m.

Không những thế, loài sinh vật kì lạ này còn đủ khả năng chống chọi với môi trường khắc nghiệt của vũ trụ. Chúng thích nghi với tia phóng xạ trong vũ trụ, môi trường chân không, cái lạnh băng giá và trở thành sinh vật đầu tiên sống sót trong môi trường vũ trụ mà không cần thiết bị bảo vệ.

Nguồn: Tri thức trẻ