Trang chủ Life Làm gì để tránh ngộ độc chì từ đồ đựng thực phẩm?

Làm gì để tránh ngộ độc chì từ đồ đựng thực phẩm?

Trong đồ đựng thực phẩm, có khá nhiều thứ có chứa chì. Khi sử dụng, bạn cần cẩn thận để tránh bị ngộ độc.

Các đồ dùng bằng gốm có hàm lượng chì cao khi gặp chất có tính axit trong sữa bò, cà phê, bia, nước đường, nước hoa quả, nước rau thì lớp chì ở phần màu sẽ dần dần bị ăn mòn và hòa tan vào đồ ăn.Qua ăn uống, chì sẽ xâm nhập vào cơ thể, khi tích tụ đến mức độ nhất định, sẽ gây ra chứng bệnh do ngộ độc như hôn mê, đau đầu, suy nhược cơ thể, lú lẫn, đau khớp.

Để tránh ngộ độc chì, ta không nên dùng đồ đựng thức ăn bằng sứ có màu vàng, màu lam và màu hồng (trừ loại hàng bảo đảm chất lượng). Nên dùng các sứ không màu hoặc đồ gốm có mặt ngoài trơn nhẵn, vì các đồ đó chứa ít chì, hầu như không đáng kể.

Ngoài ra, theo kỹ sư Phạm Văn Lâm – Viện Hóa học, có thể kiểm tra xem đồ sứ đó có chì không bằng nước và giấm.

Theo đó, thực hiện kiểm tra độ nung và kim loại nặng độc của bát đĩa gốm sứ bằng cách ngâm bát vào dung dịch dấm ăn. Nếu bát có dấu hiệu trắng ra hoặc dấm đổi màu thì không nên dùng.

Kiểm tra bằng nước, đổ một ít nước vào chỗ không tráng men của bát, cốc, đĩa (có thể là phần đế). Nếu thấy bát, đĩa hay cốc đó hút nước nhanh tức là xương bát nung không đủ nhiệt. Với các loại đồ gốm sứ tráng men thủ công nếu nung ở nhiệt độ thấp cũng có thể gây nhiễm độc chì cho người dùng. Vì thông thường, gốm phải nung ở nhiệt độ từ 1.200 đến 1.500 độ C. Nhưng nếu pha thêm chì chỉ cần nung ở 800-1.100 độ C đã được một lô thành phẩm.

Nguồn: Thanh Thủy (theo 385 câu hỏi Hóa học và Đời sống/Báo Gia đình)