Trang chủ Life Bí ẩn về những thiên tài đần độn

Bí ẩn về những thiên tài đần độn

Họ là những học giả, thiên tài có chỉ số IQ rất thấp, là "siêu nhân" nhưng rất "đần". Những con người chứa đầy sự trái khoáy này được gọi là "người mưa".

Giới khoa học đã quá quen với cái tên Kim Peek, sinh năm 1951, sống tại Sal Lake City (Mỹ) – người được mệnh danh là “thư viện sống của nhân loại”. Ông có trí nhớ siêu phàm, chỉ cần nhìn thoáng qua là có ấn tượng sâu đậm, không bao giờ quên. Với cuốn danh bạ điện thoại, Peerk chỉ đọc qua một lần là có thể nhớ như in tất cả mọi mã số và chủ nhân của các mã số đó, không sai sót và cũng không nhầm lẫn một chút nào.

Kim Peek có thể nhớ tới 98% nội dung cuốn sách ông vừa đọc qua.

Ông Fran Peerk, cha của Kim cho biết, lúc chưa đầy 2 tuổi, Kim đã có thể nhớ và đọc lại vanh vách những câu mà bố mẹ nói. Lên 3, cậu bé đã biết tìm đến cuốn từ điển để tra từ. Đến 4 tuổi, Kim vẫn chưa biết đi nhưng có thể đọc thuộc lòng mọi cuốn sách có trong tay. Cho tới nay, Kim vẫn thuộc lòng hơn 9.000 cuốn sách dày, mỏng đã đọc. Kiến thức của Kim giờ như một thư viện khổng lồ bao gồm 15 lĩnh vực khác nhau: lịch sử; địa lý (các tuyến đường và đường cao tốc ở Mỹ và Canada); thể thao nhà nghề (tên vận động viên tất cả các môn); các chương trình truyền hình (phim ảnh, nhạc phim, tên diễn viên); cách tính lịch; văn chương (các tác giả tác phẩm); mã vùng điện thoại… Kim cũng có thể xác định được thành phần cấu tạo của những bản nhạc cổ điển phổ biến và biết chính xác ngày sáng tác, ngày sinh, nơi sinh và nơi mất của người soạn nhạc… Chỉ có điều lạ lùng là ở các mặt kỹ năng xã hội, thiên tài này tỏ ra rất ngờ nghệch. Ví như những việc đơn giản là tự chăm sóc bản thân trong cuộc sống thường ngày là đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo… thì ông lại lóng ngóng như một đứa trẻ mắc bệnh Down. Ông cũng không thể tìm ra chỗ của một đồ dùng cũng như rất khó khăn khi đi qua đường…

Câu chuyện về Kim Peerk đã tạo cảm hứng cho đạo diễn Barry Morrow của Hollywood. Bộ phim Người mưa (Rain man) được dàn dựng theo nguyên mẫu Kim Peerk với nhân vật chính là Raymond Babbitt đã giúp diễn viên Dustin Hoffman đoạt Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1988. Từ đó người ta gọi những người có biệt tài nhưng đần độn giống như Kim là “người mưa”.

Thâm nhập thế giới “người mưa”

Rất sớm, từ năm 1789, trong văn hiến khoa học đã nói tới hiện tượng những người thiểu năng trí tuệ nhưng lại có biệt tài. Raxy – người được mệnh danh là cha đẻ của y học tâm thần Mỹ đã mô tả về ông Fuller, một người có biệt tài tính toán chớp nhoáng. Trước câu hỏi: một người sống 70 năm 17 ngày thêm 12 giờ thì tổng cộng người đó đã sống bao nhiêu giây đồng hồ, chỉ cần nhẩm tính trong vòng 1 phút rưỡi, Fuller đã đưa ra đáp án chính xác: 2.210.500.800 giây, bao gồm cả 17 năm nhuận. Nhưng ngoài việc tính thời gian cực nhanh và chính xác như kể trên thì với những bài toán đố đơn giản trong sách giáo khoa, Fuller lại mít đặc.

Hay Lymek – nhà diễn tấu âm nhạc nổi tiếng thế giới – vốn bị mù từ nhỏ và mắc chứng liệt não. Lymek chưa bao giờ tập dương cầm. Năm 14 tuổi, lần đầu tiên được nghe người ta dạo một bản nhạc dành cho dương cầm của Traikovski, thật bất ngờ là sau đó, Lymek liền xin ngồi trước đàn dương cầm và diễn tấu lại nhạc khúc của Traikovski như nước chảy, mây trôi, không sai một nốt nhỏ. Từ đó cậu có thể diễn tấu lại y chang tất cả mọi bản nhạc đã được nghe qua, bất kể dài ngắn hoặc phức tạp đến đâu, và độ “nhớ dai” có thể kéo dài tới trên 1 năm. Tuy nhiên trong cuộc sống Lymek lại không biết cầm dao dĩa thìa khi ăn cơm, cũng không đủ khả năng tự chăm sóc cho sinh hoạt hàng ngày của bản thân.

Những người đần độn có biệt tài như vậy không phải là hiếm. Trong vòng 30 năm làm việc tại Bệnh viện tâm thần Orswood London, GS. Down – từng nổi tiếng bởi công lao giám định ra hội chứng Down – đã phát hiện ra hơn chục ca tương tự. Các tài liệu thống kê có liên quan cho thấy, trong thế giới những người đặc biệt này có tới hơn 300 loại thiên tài, mỗi người biểu hiện trong một lĩnh vực khác nhau như tính nhẩm thời gian, tính toán xác suất, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, tra từ điển, ghi nhớ, học thuộc lòng, đánh bạc… thậm chí là cả trong kinh doanh buôn bán và nhiều tri thức chuyên ngành khác nữa. Đại bộ phận “người mưa” không phải là những kẻ đần độn thực sự. Chỉ số thông minh IQ của họ vẫn trong khoảng từ 30-70, thuộc mức nhược trí thể nhẹ hoặc vừa (người đần độn thực sự có IQ<20). Họ cũng không phải là học giả đích thực, bởi cái gọi là tài năng của họ chỉ nổi trội riêng rẽ ở một vài mặt nào đó. Có điều, các biệt tài này nổi trội đến mức khiến nhiều nhà bác học kinh ngạc, bái phục.

Đi tìm lời giải

Tại sao những người ngốc nghếch này về phương diện nào đó lại có tài năng trí tuệ của bậc học giả? Trong suốt nhiều năm qua, các nhà khoa học đã dày công tìm lời giải đáp, thậm chí đã giải phẫu không ít bộ não của những “người mưa”. Người ta hy vọng rằng giải mã thành công bí ẩn của hiện tượng này sẽ giúp loài người nhận thức được tường tận về bản thân mình, thậm chí từ đó có thể tìm ra bản lề của quá trình tiến hóa.

Cho đến nay, bản báo cáo của nhà tâm lý học Brink thuộc Viện Crafton bang California đưa ra năm 1980 về hiện tượng “người mưa” vẫn là những nghiên cứu đồ sộ nhất và được giới khoa học chú ý nhất, Ông cho rằng hiện tượng “người mưa” chủ yếu xảy ra với những người có sự tổn thương hay khuyết tật bán cầu não trái – nơi chủ quản chức năng logic, ngôn ngữ, khái niệm, phân tích – dẫn tới bán cầu não phải – nơi chủ quản về âm nhạc, hội họa, hình học không gian, trí tưởng tượng và khả năng tổng hợp – chiếm ưu thế đặc biệt từ đó sản sinh ra những năng lực phi thường.

Brink lấy dẫn chứng một trường hợp cậu bé lên 9 tuổi bị dính một viên đạn làm hỏng bán cầu não trái, sau khi gây tai biến điếc, câm và liệt nửa người, bỗng ở cậu bé xuất hiện kỹ năng “học giả” khác thường, cậu có thể tự sửa chữa được cơ cấu líp biến đổi tốc độ của xe đạp, có thể thiết kế ra nhiều đồ chơi có động cơ.

Mới đây, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã sử dụng những kỹ thuật cao để tìm hiểu bộ não siêu phàm của Kim Peek. Cơ quan này ứng dụng các kỹ thuật nghiên cứu không gian, kể cả phương án chụp rọi và cộng hưởng âm thanh, nhằm phác thảo mô hình ba chiều toàn bộ cấu trúc não. Người ta thấy trong ảnh chụp phần sọ não trái của Kim có một túi nước, não của ông liền một khối, không tách thành hai bán cầu như người bình thường và cho rằng có lẽ vì thế mà ông có bộ nhớ siêu phàm. Tuy nhiên tất cả mới dừng lại ở việc khảo sát và đưa ra những đoán định, giả thuyết, chưa một kết luận hay khám phá nào thực sự giải mã được bản chất vấn đề!

Nguồn: ThanhhaiViolet